Thể chế vượt trội của 3 đặc khu kinh tế sẽ tạo ra hàng chục tỉ USD

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã nhất trí cần tạo lập khung thể chế vượt trội để phát triển ba đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu) Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Trò chuyện đầu tuần với Pháp Luật TP.HCM, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng (ảnh) cho hay: “Nếu không có cơ chế, chính sách khuyến khích vượt trội, mô hình đặc khu khó có khả năng cạnh tranh để thu hút đầu tư và vẫn tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước”.

Ông Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Vì sao phải thành lập đặc khu?

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, nhưng vì sao cho đến giờ vấn đề thành lập các đặc khu mới được đặt ra?

+ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Qua hơn 25 năm phát triển mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế ở nước ta đã không còn mới, kém linh hoạt. Bởi vì cơ chế, chính sách ưu đãi chưa đủ sức cạnh tranh quốc tế; bộ máy quản lý với thẩm quyền chưa thống nhất và thủ tục hành chính chưa đủ thông thoáng, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.

Hiện nay nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu phát triển chậm lại; năng lực cạnh tranh thấp. Việc khai thác các tiềm năng, lợi thế tự nhiên và nguồn lực của đất nước đã dần tới hạn; môi trường đầu tư của Việt Nam cũng đang mất dần tính hấp dẫn do bị cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ. Đó là những lý do khiến mô hình đặc khu được Đảng và Nhà nước quan tâm và chỉ đạo sâu sát.

Phóng viên: Vì sao lại chọn Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc mà không phải là những nơi khác, thưa ông?

+ Đây là vấn đề chủ trương xuyên suốt từ Đại hội VIII, kéo dài cho tới Đại hội XII. Đại hội XI năm 2011 đã xác định “lựa chọn một số địa bàn có lợi thế vượt trội, nhất là ở ven biển để xây dựng một số khu kinh tế làm đầu tàu phát triển…”. Đại hội XII cũng đề ra nhiệm vụ “Xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá”.

Mới đây nhất, Quốc hội đã phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm năm 2016-2020, trong đó nêu nhiệm vụ và giải pháp là “lựa chọn một số khu có lợi thế đặc biệt để xây dựng đặc khu kinh tế với cơ chế đặc thù…”.

Đặc biệt, Bộ Chính trị đã cho phép chủ trương nghiên cứu xây dựng các đề án thành lập đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong (năm 2012) và đặc khu Phú Quốc (năm 2013). Thủ tướng, Ban cán sự đảng Chính phủ và Chính phủ đã bốn lần họp bàn, thảo luận, có ý kiến chỉ đạo hoàn chỉnh các đề án và nhất trí trình Bộ Chính trị xây dựng mô hình ba đặc khu này.

phu-quoc-dang-khu-kinh-te-moi

Phú Quốc (Kiên Giang) là một trong ba đơn vị sẽ trở thành đặc khu

Những ưu đãi vượt trội

Phóng viên: Thủ tướng đồng ý phải tạo thể chế vượt trội cho các đặc khu. Vậy những đặc điểm vượt trội là gì?

+ Có rất nhiều nhóm chính sách được đề ra nhưng tiêu chí chung là ưu đãi cao hơn, thuận lợi hơn so với quy định của các luật hiện hành và các dự kiến cam kết quốc tế sắp tới của Việt Nam.

Chẳng hạn đối với chính sách thuế thì tùy từng mặt hàng cho phép linh hoạt áp dụng miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; thuế giá trị gia tăng được áp dụng mức thuế suất 0% hoặc không phải chịu thuế giá trị gia tăng; không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Thuế thu nhập cá nhân cũng như thuế thu nhập doanh nghiệp cũng có những chính sách ưu đãi đặc thù.

Những đặc khu cũng có thể được phép giữ lại toàn bộ số thu trong một thời gian cần thiết. Đồng thời, tỉ lệ điều tiết ngân sách địa phương về trung ương tại các địa phương có đặc khu cũng sẽ được điều chỉnh để tạo nguồn vốn và hỗ trợ đầu tư xây dựng một số hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu.

Bộ máy chính quyền tinh gọn tối đa

Bộ máy chính quyền đặc khu sẽ tinh gọn, đủ thẩm quyền để giải quyết nhanh nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Sơ bộ, chính quyền địa phương ở đặc khu sẽ gồm HĐND và UBND theo hai cấp: đặc khu và phường.

Các cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc như quốc phòng, an ninh, tòa án, viện kiểm sát, thuế, hải quan, ngân hàng đóng trên đặc khu sẽ được tổ chức phù hợp theo hướng tinh gọn, có đủ thẩm quyền liên quan để giải quyết nhanh các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Các chính sách về quốc phòng, an ninh và tư pháp có quy định riêng phù hợp với yêu cầu xây dựng và phát triển đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Bộ trưởng KH&ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG

Phóng viên: Một số đặc khu trên thế giới còn có những điều kiện ưu đãi đặc biệt về tài chính, thưa Bộ trưởng?

+ Ba đặc khu này cũng có thể có những thể chế tiền tệ, ngân hàng riêng, các loại hình giao dịch phù hợp với thông lệ quốc tế; tự do hóa luồng vốn. Bên cạnh Việt Nam đồng là đồng tiền lưu hành chủ yếu, các đặc khu được phép sử dụng một số đồng tiền tự do chuyển đổi; thành lập trung tâm tài chính riêng dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Một điều quan trọng khác là đất đai, sẽ có những dự án được thuê đất không quá 99 năm; thời gian miễn, giảm tiền thuê và áp dụng mức giá thuê đất và mặt nước ưu đãi hơn quy định của pháp luật về đất đai hiện hành.

Nhà nước thu hàng tỉ USD

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, đúng là những thể chế vượt trội. Vậy những đặc khu đó đã được đánh giá về hiệu quả như thế nào?

+ Kết quả đánh giá cho thấy dự kiến sau giai đoạn 2020, các đặc khu sẽ đóng góp về thu ngân sách, tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người.

Cụ thể tại đặc khu Vân Đồn, ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,9 tỉ USD từ thuế và phí; 2,1 tỉ USD từ các nguồn thu từ đất. Vân Đồn cũng đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Quảng Ninh lên 5,2% vào năm 2020 và 7,7% vào năm 2030 khi các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 9,7 tỉ USD trong giai đoạn 2021-2030. Thu nhập bình quân đầu người tại đây cũng tăng lên 5.000 USD vào năm 2020 và 12.500 USD vào năm 2030.

Bắc Vân Phong và Phú Quốc thì sao, thưa Bộ trưởng?

vinh-van-phong

Cảnh đẹp Vịnh Vân Phong

+ Tại đặc khu Bắc Vân Phong, ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,2 tỉ USD từ thuế, phí và 1 tỉ USD từ các nguồn thu từ đất. Các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỉ USD trong giai đoạn 2017-2030; mức thu nhập bình quân đầu người cũng đạt khoảng 4.000 USD vào năm 2020 và 9.500 USD vào năm 2030.

Tại đặc khu Phú Quốc, ước tính Nhà nước thu được khoảng 3,3 tỉ USD từ thuế, phí và các nguồn thu từ đất, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỉ USD trong giai đoạn 2017-2030; mức thu nhập bình quân đầu người được nâng lên khoảng 5.300 USD vào năm 2020 và 13.000 USD vào năm 2030.

Ngoài ra, theo tính toán của các địa phương, việc áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội phát triển đặc khu sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động, gia tăng thu nhập bình quân đầu người. Cụ thể như tới năm 2030, Vân Đồn tạo thêm việc làm mới cho khoảng 132.000 người với mức lương bình quân là 9.500 USD/năm; Bắc Vân Phong tạo thêm việc làm mới cho khoảng 65.000 người với mức lương bình quân là 9.000 USD/năm. Còn Phú Quốc tạo thêm việc làm mới cho khoảng 57.600 người.

Xin cám ơn Bộ trưởng.                           

Một số đặc khu trên thế giới

Từ năm 2013, Trung Quốc đã chủ trương phát triển khu thương mại tự do Thượng Hải theo mô hình đặc khu kinh tế thế hệ mới với các cơ chế, chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn. Đặc khu Thượng Hải được sáp nhập từ bốn khu tự do thương mại gồm: cảng hàng không, khu cảng biển, khu logistics và khu thương mại, tài chính. Đặc khu Thượng Hải cũng được thí điểm sản xuất và giao thương các hàng hóa bị cấm ở thị trường trong nước.

Cuối năm 2013, Nhật Bản đã phát triển sáu vùng đặc khu chiến lược quốc gia để đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế dựa trên ba trụ cột: phát triển đầu tư tư nhân, bao gồm cả thu hút mạnh đầu tư nước ngoài; đổi mới và thuận lợi hóa trong quản lý lao động; tập trung phát triển một số ngành kinh tế chủ lực với công nghệ cao sáng tạo trong mỗi vùng đặc khu.

Thái Lan bắt đầu thí điểm triển khai xây dựng năm đặc khu kinh tế vào năm 2014 và phát triển thêm năm đặc khu kinh tế khác vào cuối năm 2016 ở các khu vực cửa khẩu biên giới nhằm tạo ra các động lực phát triển kinh tế vùng và phát triển một số ngành, lĩnh vực then chốt.

Năm 2014, Myanmar thông qua Luật Đặc khu kinh tế để áp dụng cho ba đặc khu kinh tế là Dawei, Thilawa và Kyaukphyu. Để đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (dự kiến sẽ diễn ra trong vòng 15-20 năm tới).

Một số quốc gia như Đức, Mỹ,… đã bắt đầu triển khai nghiên cứu xây dựng mô hình thành phố công nghiệp-công nghệ cao thông minh. Mô hình này được xây dựng nhằm hỗ trợ cho việc chuyển đổi từ tự động hóa sản xuất công nghiệp dựa trên việc ứng dụng công nghệ điện tử và thông tin sang hệ thống sản xuất được kết nối qua môi trường mạng không dây.

Theo báo Pháp Luật TP.HCM                


“Cảm ơn vì đã ghé thăm website của tôi. Chúc anh chị một ngày tốt lành!”

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top

0904.919.619