Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện: “Du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam”

Vừa qua, tạp chí Forbes Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam về đường hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn tại Việt Nam trong những năm tới.

du-lich-viet-nam

Dưới đây là chi tiết cuộc phỏng vấn:

Forbes Việt Nam: Thưa Bộ trưởng, theo tổng cục Thống kê, tính đến tháng 11 năm nay, Việt Nam đã đón hơn 11,64 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng hơn 27,8% so với cùng kỳ năm 2016. Bộ trưởng đánh giá kết quả nay ra sao?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện:  Đây là kết quả rất đáng khích lệ, nhất là khi có sự tăng trưởng ở tất cả các thị trường trong đó có thị trường tăng cao như Trung Quốc (tăng 54%), Hàn Quốc (tăng 46%), Nga (tăng 38%), Đài Loan (tăng 21%), các thị trường Châu Âu tăng trưởng khoảng 20%, các thị trường  khác chủ yếu đều tăng trưởng với tốc độ 2 con số. Tăng trưởng khách du lịch quốc tế của Việt Nam trong 10 tháng qua là mức cao nhất khu vực châu Á- Thái Bình Dương, là sự tiếp nối ấn tượng sau mức tăng trưởng 26% năm 2016.

Kết quả nêu trên là bước phát triển quan trọng trong hành trình hướng đến mục tiêu đón 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vào năm 2020, hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Forbes Việt Nam: So với các quốc gia Đông Nam Á khác, Việt Nam đang ở đâu trong việc khai thác các tiềm năng của ngành du lịch? Theo Bộ trưởng, lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam hiện nay trong thu hút du lịch là gì và chúng ta cần phải làm gì để phát huy lợi thế đó?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu 2017 của diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam có ưu thế về tài nguyên tự nhiên (hạng 34) và tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ (hạng 30). Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam chỉ mới xếp hạng 67/136 nền kinh tế, còn thấp so với Singapore (hạng 13), Malaysia (hạng 26), Thái Lan (hạng 34), Indonesia (hạng 42).

Lợi thế cạnh tranh lớn nhất của du lịch Việt Nam là các giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc, thể hiện qua các di sản văn hóa như cố đô Huế, Phố cổ Hội An, hoàng thành Thăng Long…, đời sống sinh hoạt hàng ngày, ẩm thực, các lễ hội nghệ thuật biểu diễn, phong tục tập quán các vùng cảnh quan, thiên nhiên phong phú, đa dạng, nhất là vịnh Hạ Long, hang Sơn Đoòng, các bãi biển, vịnh, đảo nổi tiếng như Mỹ Khê (Đà Nẵng), Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang)…

Forbes Việt Nam: Gần đây, vấn đề phát triển du lịch bền vững, trung tâm là bảo vệ môi trường thiên nhiên trong du lịch và khai thác có trách nhiệm, các tiềm năng du lịch cả du lịch biển và rừng đang được dư luận quan tâm. Quan điểm của bộ về vấn đề này như thế nào?

Bộ trường Nguyễn Ngọc Thiện: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn nhất quán định hướng được đề ra tại chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, được khẳng định và đề cao tại nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nêu rõ quan điểm “phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên”.

Từ quan điểm nêu trên, tùy đặc điểm tự nhiên của từng khu vực, trước khi xây dựng kế hoạch phát triển du lịch đều phải có đánh giá tác động về môi trường. Chỉ khi việc phát triển du lịch bảo đảm các yêu cầu về môi trường và phát triển bền vững mới có thể được cơ quan có thẩm quyền nhất trí phê duyệt, cấp phép.

Forbes Việt Nam: Liên quan đến phát triển du lịch đặt nhiều địa phương trước thách thức khai thác du lịch nhưng không làm tổn hại đến môi trường, thu hút sự chú ý nhất trong năm ngoái và tiếp tục năm nay là vấn đề khai thác một số địa điểm di sản thiên nhiên như Sơn Đoòng. Quan điểm của Bộ trưởng trong việc khai thác Sơn Đoòng như thế nào?

hang-son-doong

Việt Nam phát triển du lịch song song bảo vệ môi trường

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn nhất quán quan điểm bảo vệ các di sản thiên nhiên và văn hóa luôn đi đôi và gắn liền với việc phát huy giá trị của di sản, phục vụ con người, mang lại lợi ích về kinh tế đồng thời tuân thủ các quy định của luật Di sản văn hóa và Công ước quốc tế về bảo tồn di sản văn hóa và tự nhiên của UNESCO mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Đối với một khu vực có giá trị đặc biệt và nhạy cảm như hang Sơn Đoòng cũng như vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng thì việc đầu tư, phát triển phải đặc biệt chú ý đến tác động môi trường và văn hóa- xã hội của cả khu vực, đảm bảo phát triển bền vững.

Forbes Việt Nam: Việt Nam vẫn thiếu những chiến dịch quảng bá du lịch hiệu quả, có hiệu ứng quốc tế trong đó có sự kết hợp giữa nhà nước và khối tư nhân ( như cách mà các nước, vùng lãnh thổ như Hồng Kông, Thái Lan vẫn làm, chẳng hạn như các đợt khuyến mại kết hợp với các ngành bán lẻ). Những chiến lược này có được xem xét không, thưa bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Chúng tôi ý thức rõ tăng cường hợp tác công – tư trong phát triển du lịch nói chung, nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá nói riêng là xu hướng đồng thời là yêu cầu tất yếu đối với phát triển du lịch.

Từ năm 2015, chúng tôi đã thiết lập cơ chế hợp tác công – tư thông qua hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), không chỉ thông qua các cuộc họp mà còn có các hoạt động cụ thể trong nhiều lĩnh vực, nhất là xúc tiến quảng bá du lịch. Đặc biệt, thông qua doanh nghiệp xã hội TAB, tổng cục Du lịch và các doanh nghiệp đang thúc đẩy một chương trình xúc tiến quảng bá chung dựa trên hợp tác công –tư, hướng tới các thị trường quốc tế trọng điểm, trong đó có xây dựng một website chung, marketing thông qua các kênh truyền thống xã hội đẩy mạnh thông tin về dịch vụ và điểm đến du lịch.

Forbes Việt Nam: Chính sách khai thác kinh doanh Casino nên được thực hiện thế nào để khuyến khích phát triển du lịch?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Chính phủ Việt Nam đã ban hành nghị định số 03/2017/NĐ-CP ngày 16.1.2017 về kinh doanh casino, Bộ Tài chính cũng đã ban hành thông tư số 102/2017/TT-BTC ngày 5.10.2017 hướng dẫn một số điều quy định tại nghị định nêu trên.

Theo các quy định, kinh doanh casino là hoạt động kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; chỉ những doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện mới được kinh doanh casino; thí điểm cho phép người Việt Nam chơi tại điểm kinh doanh trong thời gian 3 năm với những điêu kiện nhất định.

Như vậy, khai thác kinh doanh casino tại Việt Nam đang được triển khai theo lộ trình từng bước. Để khuyến khích phát triển du lịch, khai thác kinh doanh casino là vấn đề cần phải đặt ra. Tuy nhiên, trong giai đoạn bắt đâu, việc thí điểm triển khai tưng bước là cần thiết , sau đó, sẽ có những tổng kết, đánh giá để triển khai hiệu quả hơn, nhất là tại các đặc khu kinh tế dự kiến sẽ được thành lập trong thời gian tới.

(Theo Nguyễn Lan Anh, Forbes Việt Nam)


“Cảm ơn vì đã ghé thăm website của tôi. Chúc anh chị một ngày tốt lành!”

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top

0904.919.619